Cùng với Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản được dự báo là thị trường có đông người lao động sang làm việc nhất trong năm 2015. Năm 2014 cả nước có trên 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 113% kế hoạch. Đây là lần đầu tiên ngành xuất khẩu lao động (XKLĐ) vượt ngưỡng đưa 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Nguyễn Thanh Hòa dự báo 2015 sẽ tiếp tục là năm khởi sắc cho XKLĐ, khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ mở rộng tiếp nhận lao động Việt Nam.
Mất “tôm” được “cá”
Trong năm 2014, XKLĐ Việt Nam gặp khó khi phải rút toàn bộ 1.750 lao động ở Libya về nước (vào đầu tháng 8) do xung đột chính trị ở đây. Cùng với đó, Hàn Quốc không tái ký thỏa thuận về hợp tác lao động với Việt Nam theo chương trình EPS (hết hạn từ ngày 29-8-2012), dẫn đến việc dừng tuyển mới lao động. Ngoài ra, số lượng lao động sang Lào giảm mạnh, từ trên 5.000 người vào các năm trước xuống còn khoảng 300 người.
Lao động do Công ty Nhật Hy Khang tuyển chọn trước giờ xuất cảnh sang Nhật Bản
Dù vậy, đến hết năm, XKLĐ của Việt Nam lại đạt con số kỷ lục như nêu trên. Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp Hội XKLĐ Việt Nam, cho biết nhờ đổ dồn lao động vào khu vực Đông Bắc Á nên việc sụt giảm ở các thị trường Hàn Quốc, Libya, Lào, kể cả Malaysia (5.000 người, giảm 30% so với năm 2013), không ảnh hưởng nhiều đến kết quả. Chỉ riêng khu vực này, trong năm qua đã có trên 90.000 lao động xuất cảnh, chiếm đến 86% trong tổng số 40 thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục Trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, nhìn nhận việc tập trung chấn chỉnh vi phạm của doanh nghiệp (DN) và thực hiện lộ trình giảm phí cho người lao động (NLĐ) ở Đài Loan trong 2 năm qua đã tạo nhiều thuận lợi cho nhiều người sang thị trường này. Bên cạnh đó, từ khoảng 40 DN, hiện có trên 100 DN khai thác thị trường Nhật Bản. Chính 2 thị trường này đã giúp XKLĐ duy trì được số lượng lao động cung ứng ra nước ngoài luôn đạt trên 8.000 người/tháng.
Nhật Bản sẽ hút lao động
Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, bên cạnh việc duy trì các thị trường truyền thống, năm 2015, định hướng của XKLĐ Việt Nam là tăng cường khai thác một số thị trường mới, đơn hàng có thu nhập cao, nhất là ở châu Âu. Bộ LĐ-TB-XH cũng khuyến khích các DN tập trung khai thác thị trường Trung Đông, trong đó đẩy mạnh đưa lao động giúp việc gia đình sang Ả Rập Saudi và khôi phục thị trường Kuwait sau nhiều năm tạm dừng.
Ông Hồ Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Trường Giang, cho biết lao động trình độ thấp, kinh tế gia đình khó khăn có thể chọn sang Malaysia vì mức thu nhập ở thị trường này ngày càng được cải thiện, bình quân khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng; điều kiện tốt hơn có thể chọn sang các thị trường có thu nhập trung bình, khá như Đài Loan (bình quân 15 triệu đồng/tháng), Nhật Bản (20 - 25 triệu đồng/tháng).
Cùng với thị trường chủ lực Đài Loan, tâm điểm của XKLĐ trong năm 2015 sẽ là Nhật Bản. Nhiều DN khai thác thị trường Nhật Bản cũng đã tăng chỉ tiêu cung ứng lao động cho năm mới. Từ kết quả cung ứng trên 300 lao động, Công ty XKLĐ Thương mại Du lịch Sovilaco tăng chỉ tiêu đưa đi 500 người.
Công ty TNHH Nhật Hy Khang cũng đặt chỉ tiêu đưa đi 800 lao động sau một năm cung ứng 550 người. Công ty này đang hợp tác tuyển dụng thường xuyên với 32 nghiệp đoàn của Nhật Bản, trong tháng 1-2015 triển khai cùng lúc 10 đơn hàng cung ứng gần 100 lao động. Theo lãnh đạo công ty, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua việc tăng thời hạn từ 3 năm lên 5 năm cho lao động xây dựng và hàn tàu (dự kiến áp dụng từ tháng 4-2015), tạo thêm cơ hội làm việc và cải thiện thu nhập cho NLĐ Việt Nam.
Gần 20.000 lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc
Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB-XH vừa sang Hàn Quốc đàm phán về việc ký gia hạn thỏa thuận hợp tác lao động theo chương trình cấp phép lao động EPS. Kết quả không như mong đợi khi Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc tuyên bố chưa tái ký thỏa thuận, do kết quả điều tra gần nhất cho thấy tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc còn quá cao - trên 36%, với gần 20.000 người. Điều này đồng nghĩa Việt Nam sẽ không được cấp hạn ngạch tuyển dụng lao động mới trong năm nay.
Blogger Comment
Facebook Comment