Cùng với lao động xây dựng, đóng tàu, Nhật Bản đang xem xét gia hạn hợp đồng từ 3 năm lên 5 năm đối với lao động nhà máy và mở rộng tiếp nhận khán hộ công Việt Nam
“Có ngày chúng tôi phải tiếp 3-4 nghiệp đoàn Nhật Bản. Hồi trước, mình đi Nhật cạy cục xin họ; bây giờ, họ qua đây chào hàng, tiếp thị, mình được quyền “coi giò, coi cẳng” cẩn thận rồi mới lựa chọn. Nếu nhắm mắt ký thì hợp đồng nhiều vô kể, không thể tìm đủ lao động”. Giám đốc một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã nói như vậy trước tình hình các nghiệp đoàn Nhật Bản gia tăng tuyển dụng lao động Việt Nam.
Mỗi năm, Nhật Bản tiếp nhận khoảng 200.000 lao động nước ngoài, trong đó có hơn 2/3 lao động Trung Quốc; số còn lại tập trung vào 4 nước Đông Nam Á: Philippines, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Tuy nhiên, cán cân tiếp nhận lao động di cư của Nhật Bản đang có sự thay đổi đáng kể. Từ mức cung ứng 100.000 lao động mỗi năm, trong 5 năm qua, số lượng lao động Trung Quốc vào Nhật Bản liên tục giảm, đến năm 2014 chỉ còn 45.000 người. Trong khi đó, Việt Nam đang vượt lên để dẫn đầu các nước Đông Nam Á. Từ mức cung ứng 9.000 người năm 2010, Việt Nam tăng số lượng lao động vào Nhật Bản lên 16.000 người năm 2013 và 20.000 người năm 2014. Theo công bố của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, trong 4 tháng đầu năm 2015, mỗi tháng có trên 2.500 lao động sang Nhật Bản và dự kiến cả năm sẽ đưa đi được khoảng 30.000 lao động.
Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty Esuhai, nhận định ngoài lý do chính trị, việc đồng yen mất giá cộng với thu nhập ở Trung Quốc tăng lên, dẫn đến nhiều lao động nước này không còn muốn sang Nhật Bản như trước. Do nguồn lao động dự trữ (cứ 1 lao động cần tuyển phải chuẩn bị trước 3 người để phỏng vấn) của Trung Quốc dần trở nên khan hiếm, các nghiệp đoàn Nhật Bản chuyển hướng sang Việt Nam. “Với sự thay đổi này, trong tương lai, Việt Nam sẽ cân bằng số lượng lao động xuất khẩu với Trung Quốc” – ông Sơn dự báo.
Ông Vũ Minh Xuyên, Tổng Giám đốc Công ty Sovilaco, cũng nhìn nhận Việt Nam có nhiều lợi thế để tăng lao động sang Nhật Bản vào những năm tới. Trên thực tế, từ vài chục DN làm thị trường Nhật Bản, hiện có trên 150 DN tham gia. “Dù Sovilaco đã tuyển trước 200 lao động chuẩn bị cho các đợt phỏng vấn tới đây nhưng cũng đang rất bí vì khó tìm đủ lao động theo hợp đồng ký kết” – ông Xuyên nói.
Ba bên cùng có lợi
Quốc hội Nhật Bản đã thông qua việc điều chỉnh tăng thời hạn đối với thực tập sinh nước ngoài ở lĩnh vực xây dựng. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc thổ, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản mới đây đã ra thông cáo tăng thời hạn từ 3 năm lên 5 năm đối với lao động xây dựng nước ngoài, áp dụng từ ngày 1-4-2015 đến ngày 31-3-2021. Việc tăng thời hạn cho lao động xây dựng nhằm giúp Nhật Bản duy trì nhân công, bảo đảm tiến độ thi công các công trình thể thao phục vụ Thế vận hội Tokyo tổ chức vào năm 2020.
Theo đó, những người đã hoàn thành hợp đồng 3 năm, về nước từ sau ngày 1-4-2014 sẽ được trở lại Nhật Bản làm việc thêm 2 năm. Đối với những người đang làm việc ở Nhật Bản, sau khi kết thúc hợp đồng 3 năm cũng được gia hạn thêm 2 năm. Việc gia hạn này cũng áp dụng với lao động xuất cảnh sau ngày 1-4-2015. Ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Công ty Haindeco tại TP HCM, cho rằng việc gia hạn hợp đồng rất có lợi để lao động Việt Nam tăng thu nhập. Hiện DN đã ký hợp đồng cung ứng 1.000 lao động xây dựng với Tập đoàn Nohara Nhật Bản, khoảng 200 lao động đã xuất cảnh.
Ngoài lao động xây dựng, việc tăng thời hạn hợp đồng từ 3 năm lên 5 năm cũng được áp dụng đối với lao động làm việc ở lĩnh vực đóng tàu. Hàng trăm lao động là thợ hàn vỏ tàu sẽ được hưởng lợi từ thay đổi này. Theo ông Lê Long Sơn, chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu điều chỉnh gia hạn hợp đồng lên 5 năm đối với một số ngành nghề sản xuất. Phương án dự kiến đưa ra là trên cơ sở đánh giá hiệu quả cung ứng, quản lý lao động, chất lượng và mức độ tuân thủ hợp đồng của người lao động, sẽ quyết định cho phép gia hạn hợp đồng theo từng trường hợp cụ thể. “Những điều chỉnh này tạo ra cơ hội mới, kích thích lao động Việt Nam sang Nhật Bản” – ông Sơn nhận định.
Thêm chương trình chăm sóc người bệnh
Bên cạnh chương trình thực tập sinh, từ năm 2012, Việt Nam còn có chương trình cung ứng hộ lý, điều dưỡng theo thỏa thuận về di chuyển điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản (EPA). Đến nay, đã có trên 500 hộ lý, điều dưỡng được tuyển chọn theo chương trình này. Thông tin mới nhất là song song với chương trình EPA, dự kiến từ năm 2016, 2 nước cũng sẽ triển khai chương trình cung ứng lao động chăm sóc người bệnh (khán hộ công). Việc phái cử lao động ở chương trình này được giao cho DN XKLĐ.
|
Theo: Người đưa tin - Đinh Khoai
Blogger Comment
Facebook Comment