Trong năm 2014, dự kiến sẽ đưa 87 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Chi phí thấp, thu nhập cao
Tâm điểm XKLĐ năm nay sẽ là các thị trường thuộc khu vực Đông Bắc Á (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc). Theo ông Xuyên, trong năm 2013, ba thị trường này đã tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam.
“Năm 2013, Sovilaco đưa được 300 tu nghiệp sinh sang Nhật. Dự kiến năm 2014, sẽ đưa khoảng 350 người”, ông Xuyên nói.
Để chuẩn bị cho Olympic 2020 (tổ chức tại Nhật Bản), thời gian tới, chắc chắn nước này sẽ gia tăng tiếp nhận lao động Việt Nam (nhất là lao động ngành xây dựng và cơ khí). Hiện, chi phí đi làm nghề xây dựng, cơ khí không quá 3.700 USD. Ngoài ra, Nhật Bản còn có nhu cầu lớn lao động làm việc trong ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam cho biết, năm 2013, thị trường Đài Loan tiếp nhận tới 46 nghìn lao động. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong thời gian tới, đây vẫn là thị trường có lực hút với NLĐ. “Tôi cho rằng, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn là thị trường tốt nhất cho lao động Việt Nam lúc này”, ông Trào nói.
Theo ông Trào, lương cơ bản ba thị trường (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần lượt từ 700 đến hơn 1.000 USD (chưa kể làm thêm giờ) rất lý tưởng với NLĐ Việt Nam. “Ngoài Đài Loan và Nhật Bản, nếu ta làm tốt nhiệm vụ giảm tỷ lệ bỏ trốn, ngay trong năm, có thể đưa được 10.000-15.000 lao động sang Hàn Quốc làm việc”, ông Trào nói.
Đừng quên thị trường nhỏ
Ông Phạm Đức An, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Nhân lực Quốc tế Tranconsin (Bộ GTVT) cho biết, việc đi được Đài Loan, Nhật Bản là tốt. Tuy nhiên, NLĐ cũng nên “liệu cơm gắp mắm”. Lý do, theo ông An, để đi được hai thị trường này, chi phí NLĐ bỏ ra cao hơn so với một số thị trường dễ tính, phù hợp với số đông lao động Việt Nam như Ả rập Xê út, Malaysia.
“Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường quản lý hoạt động các doanh nghiệp XKLĐ; thanh kiểm tra, xử lý nghiêm với các đơn vị vi phạm; phối hợp chặt chẽ để kịp thời phát hiện, xử lý những tiêu cực, lừa đảo trong hoạt động XKLĐ”.
Ông An cũng cho biết, một thời gian dài NLĐ bỏ quên những thị trường dễ tính, chi phí thấp, thu nhập cũng không đến nỗi. “Với chi phí khoảng 650 USD, NLĐ khi sang Ả rập Xê út làm việc, nhận lương bình quân 7 triệu đồng/tháng là ổn. Nước này lại có nhu cầu tiếp nhận lớn, lao động được chủ sử dụng bố trí ăn, ở, đi lại”, ông An nói.
Theo ông An, với thị trường Malaysia cũng vậy, hiện có nhiều đơn hàng tốt (chi phí thấp hoặc không cần chi phí, lương cao), nhưng vẫn không thu hút được lao động.
“Năm qua, đơn vị chúng tôi đưa được 200 lao động sang Ả rập Xê út và Malaysia. Điều này chứng tỏ, số đông lao động vẫn muốn ra nước ngoài làm việc ở những thị trường phổ thông. Vấn đề là cách thức tuyên truyền sao cho NLĐ hiểu được khả năng của mình tham gia được thị trường nào”, ông An nói.
Ông Nguyễn Lương Trào cho rằng, thị trường Malaysia cho thu nhập tốt nên thu hút nhiều lao động. “Một thời gian dài thị trường này có nhiều vấn đề nên NLĐ không dám đi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thông qua hình thức nhờ NLĐ trực tiếp tham gia tuyên truyền nên thu hút thêm nhiều lao động cùng quê xuất ngoại”, ông Trào nói.
Sức hút lương ngàn đô từ Angola
Ông Lê Xuân Luyện, Tổng giám đốc Cty Cổ phần Xây dựng, dịch vụ và hợp tác lao động - Oleco (Bộ NN&PTNT) cho biết: Vừa được Cục quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho phép thí điểm đưa lao động làm nghề xây dựng sang Angola (châu Phi).
“Cục quản lý Lao động Ngoài nước vừa duyệt cho công ty đưa 50 lao động sang Angola làm việc. Đây là thị trường tốt, thu nhập cao nhưng phải chọn lao động có tay nghề và sức khỏe”, ông Luyện nói.
Theo ông Luyện, nếu chọn được nguồn lao động tốt, Angola sẽ là thị trường hứa hẹn đối với NLĐ Việt Nam, do nước bạn đang trong quá trình tái thiết. “Lương lao động xây dựng tập sự khoảng 700 USD/tháng. Sau hơn một năm làm việc, lương hơn 1.000 USD”, ông Luyện khẳng định.
Nhận xét về thị trường Angola, ông Nguyễn Lương Trào cho rằng, nếu Bộ LĐ-TB&XH quyết tâm mở cửa thị trường Angola, cần vừa làm vừa nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng từng vấn đề. “Thực sự, thị trường Angola có sức hút với đông đảo NLĐ Việt Nam. Tuy nhiên, các đơn vị đưa lao động sang nước này cần phải bảo đảm tư cách cho NLĐ có giấy phép lao động”, ông Trào nói.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong năm 2014, mục tiêu sẽ đưa 87 nghìn người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài thị trường Angola đang cho thí điểm, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung mọi giải pháp để mở cửa thêm thị trường Belarus. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh các hình thức hợp tác đưa lao động có trình độ, tay nghề đi làm việc ở nước ngoài như: Điều dưỡng viên sang làm việc tại Nhật Bản, CHLB Đức; tăng cường đầu bếp, thợ làm bánh sang Australia.
Năm 2013, cả nước đã đưa được 88.155 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Một số thị trường trọng điểm có mức tăng trưởng cao như: Đài Loan (51,86%), Nhật Bản (10,38%). Nhiều tỉnh, thành phố đưa được hàng ngàn lao động xuất ngoại như: Nghệ An (11.000), Thanh Hóa (8.000), Hà Tĩnh (5.300), Bắc Giang (3.800)...
Điểm qua một số thị trường tiềm năng
Trong 8 tháng đầu năm 2014, thị trường xuất khẩu lao động được mở rộng, lao động có nhiều cơ hội lựa chọn khi đi làm việc ở nước ngoài. Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, thị trường lao động khu vực Trung Đông đang có dấu hiệu phục hồi trở lại, mặc dù năm 2013 số lượng lao động Việt Nam tại khu vực này chưa tăng mạnh nhưng đã có những dấu hiệu khả quan hơn đối với lao động xây dựng và dịch vụ sang UAE, Qatar... vào đầu năm 2014. Đối với các nước ở khu vực châu Phi và Trung Đông, Việt Nam sẽ ký kết thỏa thuận cấp Bộ trong một số lĩnh vực với Angola và Arab Saudi để tạo điều kiện phát triển việc làm an toàn cho lao động Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang xúc tiến ký thỏa thuận hợp tác lao động với Đức, Thái Lan... Đây sẽ là cơ hội để phát triển việc làm cho lao động Việt Nam. Mặt khác, các nước phát triển bắt đầu quan tâm đến điều dưỡng viên Việt Nam. Nhật Bản và Đức đang tiếp tục triển khai tuyển dụng điều dưỡng viên sang hai nước này làm việc.
Đài Loan là một trong những thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam sang làm việc nhất trong năm 2013, chiếm tới gần 50% lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay Việt Nam là một trong hai nước (cùng với Indonesia) chủ lực cung ứng lao động sang thị trường này làm việc. Mới đây, Đài Loan đã ban hành một số chính sách mới liên quan đến lao động nước ngoài, trong đó, phần lớn các quy định này khuyến khích các doanh nghiệp Đài Loan tuyển dụng lao động nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài tới làm việc ở Đài Loan. Về phía Việt Nam, để giảm áp lực về chi phí xuất khẩu lao động đi Đài Loan hiện nay còn cao, Bộ LĐ-TBXH cũng tăng cường kiểm soát mức thu phí môi giới của các doanh nghiệp trong nước và giảm mức phí trần quy định từ 4.500 USD năm 2013 xuống còn 4.000 USD. Đặc biệt, trong bối cảnh Đài Loan tiếp tục ngừng tiếp nhận lao động Philippines vào làm việc do căng thẳng về chính trị giữa hai bên, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng số lượng cung ứng lao động trong ngành sản xuất cho thị trường Đài Loan.
Năm nay, thị trường Hàn Quốc đã có nhiều kỳ vọng mới, mặc dù bản ghi nhớ đặc biệt với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc chỉ có thời hạn 1 năm, song việc ký kết này đã đem lại niềm vui cho gần 14.000 lao động.
Theo bản ghi nhớ đặc biệt, có ba đối tượng được phía Hàn Quốc cho phép giới thiệu cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc là: Lao động đã đỗ các kỳ thi tiếng Hàn tháng 12/2011, tháng 5/2012 và tháng 8/2012; lao động huyện nghèo sang Hàn Quốc làm nông nghiệp đã đăng ký kiểm tra tiếng Hàn tháng 8/2012 và lao động về nước đúng hạn. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, vì thời gian tạm dừng đưa lao động đi Hàn Quốc đã khá lâu nên để hỗ trợ lao động ôn luyện lại tiếng Hàn, Bộ LĐ-TBXH đã lên phương án giao cho Trung tâm Lao động Ngoài nước mở các lớp dạy bổ túc lại tiếng Hàn và các kiến thức cần thiết khác cho người lao động, học phí sẽ do người lao động tự chi trả. Riêng hơn 2.700 lao động thuộc huyện nghèo đã đăng ký thi tiếng Hàn để đi Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ được hỗ trợ để học lại tiếng Hàn theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ.
Ở thị trường Malaysia, mới đây, Chính phủ nước này đã ra quyết định tăng mức lương tối thiểu qui định cho người lao động theo từng khu vực, mức lương mới sẽ bảo đảm cuộc sống khi chi phí sinh hoạt gia tăng. Công nhân nước ngoài sẽ được hưởng mức lương tối thiểu mới này, trong đó có lao động Việt Nam. Mức lương tối thiểu mới tăng đáng kể so với mức quy định cũ, tăng 40 - 90%. Đặc biệt, thời gian gần đây, Malaysia có nhu cầu cao tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực xây dựng, với mức lương lên tới 35-40RM/ngày/8 giờ làm việc (tương đương khoảng 280.000 đồng/ngày) cũng đang là một trong những thị trường thu hút lao động trở lại.Nâng cao năng lực, hướng tới việc làm chất lượng cao
Hiện các nền kinh tế trên thế giới đang hồi phục, nhưng vẫn diễn biến khó lường, còn bị ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công ở một số quốc gia châu Âu nên thị trường lao động quốc tế bị thu hẹp, làm cho sự cạnh tranh giữa các quốc gia cung ứng lao động vốn đã rất gay gắt càng trở nên gay gắt hơn. Đồng thời, làm ảnh hưởng đến việc phát triển các thị trường mới của Việt Nam. Điều này cho thấy, việc tăng cường đào tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam cần được đặc biệt chú trọng trong giai đoạn tới, để nắm bắt các cơ hội việc làm chất lượng cao.
Đối với lao động Việt Nam, đi làm việc ở nước ngoài khi không có trình độ tay nghề cũng đồng nghĩa với điều kiện làm việc không đảm bảo và tiền lương thấp. Bên cạnh đó, ý thức kỷ luật và chấp hành pháp luật của lao động Việt Nam còn hạn chế. Tâm lý chung là hướng vào các thị trường có thu nhập cao, nhưng tiêu chuẩn mà các nước sử dụng lao động đòi hỏi cũng khá cao như Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi nhận thức của lao động chưa cao, trình độ ngoại ngữ và tay nghề còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu...
Cũng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, giải pháp cho những khó khăn trên là khai thác tối đa nhu cầu lao động tại các thị trường mới tiềm năng cũng như các thị trường truyền thống...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác nhu cầu lao động trong các lĩnh vực và các nghề mới, đòi hỏi trình độ cao cả về tay nghề và ngoại ngữ, các nghề trong lĩnh vực y tế, dịch vụ... Nghiên cứu phát triển các thị trường mới ở châu Âu, đồng thời củng cố các thị trường truyền thống thông qua việc triển khai các biện pháp ngăn ngừa lao động bỏ hợp đồng, lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc bất hợp pháp. Kiên quyết xử lý các vi phạm của cá nhân và doanh nghiệp để chấn chỉnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm hạn chế nạn cò mồi, lừa đảo, nhằm giảm chi phí cho người lao động.
Đặc biệt, cần phải nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. cần tăng cường công tác tuyển chọn, tạo nguồn. Tuân thủ các tiêu chuẩn trong tuyển chọn, phát triển mô hình phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp dịch vụ và chính quyền địa phương để tuyển chọn được những lao động có nhận thức tốt và thực sự có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ đào tạo lao động xuất khẩu từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề, từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, triển khai chương trình đặt hàng đào tạo với các đối tác. Đặc biệt, cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước về hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Nguồn tienphong
Blogger Comment
Facebook Comment